Tài sản ròng là gì ? Ý nghĩa của tài sản ròng như thế nào

Tài sản ròng là gì ? Bí quyết nào để có thể tăng được tài sản ròng trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, thông qua bài viết dưới đây, Wikibatdongsan sẽ gửi đến các bạn lời giải đáp cho thuật ngữ trên nhé, chắc chắn sẽ giúp quý vị độc giả hiểu và cân đối tốt “quỹ đen”, “ quỹ đỏ…

Tài sản ròng là gì ?

TÀI SẢN RÒNG LÀ GÌ ?

Tài sản ròng là số dư cuối cùng có được khi lấy tổng tài sản bạn đang có trừ đi tất cả nợ nần bạn đang gánh. Bất kỳ ai cũng có giá trị ròng, đây là con số thể hiện vị trí thật sự, chính xác của bạn trên mọi thang đo về tiền bạc.

Thu nhập và chi tiêu chỉ là hai mảnh nhỏ của bức tranh ghép hình lớn mà thôi, thu nhập cao hơn sẽ khiến cho (rất) nhiều điều trở nên dễ dàng hơn – nhưng đi kèm với tin vui này cũng sẽ là các niềm cám dỗ mới, đó là chưa kể tới những hệ luỵ khó lường sẽ phát sinh khi chạy theo tăng thu nhập một cách mù quáng. Cuối cùng, nói thì bao giờ cũng dễ hơn là làm, tăng thu nhập không nằm trong tầm tay của tất cả mọi người. Vế còn lại  của phương trình, giảm thiểu chi tiêu cũng có những rào cản tương tự, hoàn cảnh đặc biệt (chăm sóc người thân, nuôi con nhỏ…) khiến cho bạn sẽ không thể bỏ đi bất kỳ khoản chi nào, tất cả đều cần thiết như nhau. Đó là chưa kể đến việc thắt lưng buộc bụng quá mức sẽ giới hạn khả năng phát triển của bản thân mình cũng như con em. Nếu bạn thuộc số đông cảm thấy khó khăn trong việc tăng thu-giảm chi thì thay vì tập trung vào hai yếu tố trên, hãy để tâm đến con số quan trọng nhất với tương lai tài chính của mình – giá trị ròng.

Ý NGHĨA GIÁ TRỊ TÀI SẢN RÒNG LÀ GÌ ?

Hiểu giá trị ròng giúp bạn biết được gốc rễ tài sản bản thân. Nhiều chuyên gia tâm lý thường sử dụng một ví von rất hình tượng về tiềm năng mỗi cá nhân – đó là một cái cây với bộ rễ và cành lá. Rễ cây tượng trưng cho các giá trị cơ bản, nguyên tắc sống, khả năng tận dụng cơ hội…để giúp cho cây lớn lên, cao to hơn, tán lá rộng lớn hơn (phát triển được hết tiềm năng của bản thân).  Khi áp dụng vào lĩnh vực tiền bạc thì bộ rễ chính là các tài sản mà bạn đang có trong tay: tiền tiết kiệm, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, cổ phiếu, trái phiếu hay giấy tờ có giá khác, nhà cửa, xe cộ…

Giá trị ròng giúp gia tăng tài sản ngoài cách thu nhập. Đặc tính của tài sản là có thể quy đổi ra tiền mặt, nhưng đó chỉ là phương án cuối cùng vì rất có thể bạn sẽ phải chịu thiệt hại nặng nề khi làm điều này (mất lãi suất, phí phạt hợp đồng, bán lỗ, chịu thuế….). Mặt khác, tài sản là nguồn lực có khả năng sinh sôi nảy nở nếu ta biết cách chăm sóc nó, bỏ tiền tiết kiệm ra mua bất động sản sẽ khiến cho rễ cây ngày càng vươn dài hơn khi tốc độ tăng giá của nhà đất cao hơn lãi suất ngân hàng. Lựa chọn tiêu tiền vào mua xe máy hay điện thoại mới thì lại là cách nhanh nhất để bộ rễ teo tóp vì tài sản sẽ mất giá quá nhanh. Nếu muốn tăng giá trị ròng về lâu dài, hãy đảm bảo rằng tài sản của bạn luôn ở trong trạng thái tăng trưởng chứ không phải đang thu nhỏ lại. Đến đây chắc bạn đã nhận ra tại sao giá trị ròng quan trọng hơn thu nhập. Nếu bạn được nâng lương thì nó chỉ có nghĩa bạn sẽ kiếm được nhiều tiền hàng tháng hơn trong tương lai gần, nhưng nâng lương mà lại kèm với chi tiêu bừa bãi, nợ nần nhiều, lãi suất cao thì giá trị ròng của bạn hoàn toàn có thể bị thu nhỏ lại – mà đây mới là con số quan trọng hơn cả khi nó đại diện cho tiền thật, cầm được trong tay ngay lúc này chứ không phải là tiền của tương lai (thuộc về các kỳ lương chưa đến).

CÁCH TÍNH TOÁN GIÁ TRỊ TÀI SẢN RÒNG NHƯ THẾ NÀO

Tính toán giá trị ròng là khâu không thể thiếu nếu bạn muốn thực sự biết mình đang đứng ở đâu. Ví dụ cụ thể này sẽ giúp ích hơn là mô tả bằng một công thức toán học: A là một người có trình độ đại học, lương tháng 20 triệu, sổ tiết kiệm khẩn cấp trị giá 50 triệu, căn hộ chung cư có giá thị trường 800 triệu và hợp đồng bảo hiểm nhân thọ trọn đời có giá trị tiền mặt là 100 triệu. Bên cạnh đó, nợ ngân hàng dài hạn mua nhà là 400 triệu, nợ thẻ tín dụng 50 triệu, nợ tiền khác (bạn bè, người thân..) 200 triệu.

Tổng tài sản của A là:

50 triệu + 800 triệu + 100 triệu = 950 triệu (lương tháng của A không có ý nghĩa gì khi tính toán tài sản).

Tổng nợ của A là:

400 triệu + 50 triệu + 200 triệu = 650 triệu.

Giá trị ròng của A sẽ là: 950 triệu – 650 triệu = 300 triệu.

Giá trị ròng của A đang dương, tuy nhiên 300 triệu là con số nhỏ khi đặt cạnh các khoản chi phí cần thiết để A ăn học cho đến khi có được công việc hiện tại. Nhưng cùng với thời gian, các khoản nợ sẽ được trả dần, giá trị của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và giá nhà thì sẽ tăng nên giá trị ròng của A luôn có xu hướng đi lên.

Tuy nhiên, A cần lưu tâm đến giá trị ròng của mình. Tiêu pha quá tay sẽ khiến cho nợ thẻ tín dụng vốn có lãi suất rất cao tăng lên, duy trì nó sẽ đòi hỏi phải ngưng đóng phí bảo hiểm hay trả nợ mua nhà – vi phạm hợp đồng và hệ quả là A sẽ mất đi ngay một hay cả hai tài sản lớn nhất của mình. Mặt tích cực là trình độ chuyên môn và mức lương thể hiện rằng A có cơ hội nâng cao thu nhập về lâu dài, nhưng đi kèm với đó cũng đòi hỏi các quyết định đúng đắn về sự nghiệp cũng như nguyên tắc sống, kỷ luật trong chi tiêu và trả nợ.

Xem thêm bài viết: Định nghĩa tín phiếu là gì ? Những phương thức phát hành tín phiếu

Thay vì chỉ tập trung vào hiện tại (thu và chi), chú trọng đến giá trị ròng sẽ giúp bạn nhận ra mình đang đi về đâu. Giá trị ròng âm hay dương – nợ hay tài sản nhiều hơn – sẽ là chỉ dấu quan trọng nhưng không mang tính quyết định. Điều quan trọng nhất, cần ghi nhớ nhất khi xem xét giá trị ròng của bản thân là giữ cho hướng di chuyển của bản thân mình phải luôn theo chiều tăng lên.

Nguồn tham khảo bài viết: https://wikibatdongsan.com/

5/5 - (1 vote)
0933 366 138