Nhà đầu tư chiến lược là gì ? Hiện khái niệm này vẫn còn rất chung chung, nên thông qua bài viết này – Wikibatdongsan xin gửi đến quý vị độc giả định nghĩa chuẩn nhất về thuật ngữ này.
KHÁI NIỆM “ NHÀ ĐẦU TƯ CHIẾN LƯỢC LÀ GÌ “ ?
Việc chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần hiện nay đang thực hiện theo nghị định 187/2004/NĐ-CP . Với nghị định này, khái niệm nhà đầu tư chiến lược đã được xác định: “Nhà đầu tư chiến lược là các nhà đầu tư trong nước như: người sản xuất và thường xuyên cung cấp nguyên liệu cho doanh nghiệp; người cam kết tiêu thụ lâu dài sản phẩm của doanh nghiệp; người gắn bó lợi ích chiến lược lâu dài trong kinh doanh, có tiềm năng về tài chính và năng lực quản lý. Khi xây dựng phương án cổ phần hóa, doanh nghiệp cổ phần hóa lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, trình cơ quan quyết định cổ phần hóa phê duyệt” (khoản 2, điều 16).
Khái niệm nhà đầu tư chiến lược trong Nghị định 187 tương đối hẹp, chỉ có các nhà đầu tư trong nước và cũng chỉ liệt kê có ba loại nhà đầu tư chiến lược, bỏ qua các nhà đầu tư nước ngoài (gồm các quỹ đầu tư, các công ty tài chính…).
Trong Nghị định 187, giá ưu đãi gần như là quyền duy nhất đặc trưng mà nhà đầu tư chiến lược được hưởng, đi kèm với nó là hạn chế về việc chuyển nhượng cổ phần trong thời hạn ba năm kể từ ngày công ty cổ phần được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Theo đó, nhà đầu tư chiến lược được mua tối đa 20% số cổ phần bán ra theo giá ưu đãi – tức được giảm 20% so với giá đấu bình quân (khoản 2, điều 28). Mức cổ phần bán cho từng nhà đầu tư chiến lược thực hiện theo phương án cổ phần hóa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (khoản 3, điều 27), và không được chuyển nhượng trong thời hạn ba năm, trừ khi được hội đồng quản trị công ty cổ phần chấp thuận (điểm b, khoản 2, điều 38).
Đặc biệt, tổng giá trị ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp cổ phần hóa và nhà đầu tư chiến lược được lấy từ nguồn thu tăng thêm do đấu giá cổ phần, nếu thiếu được trừ vào phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần hóa nhưng không vượt quá số vốn Nhà nước có tại doanh nghiệp sau khi trừ giá trị cổ phần Nhà nước nắm giữ và chi phí cổ phần hóa (điều 29).
GIẢI PHÁP CHO CÁC NHÀ ĐẦU TƯ CHIẾN LƯỢC
Những bất cập của các quy định về cổ phần hóa DNNN nói chung và về nhà đầu tư chiến lược nói riêng trong Nghị định 187 đã được Bộ Tài chính thừa nhận và việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 187 nằm trong định hướng của cơ quan này.
Theo quan điểm của Bộ Tài chính, trong nghị định thay thế Nghị định 187 các nội dung liên quan đến nhà đầu tư chiến lược sẽ được sửa đổi, bổ sung theo hướng: (i) quy định rõ về nhà đầu tư chiến lược, (ii) đồng thời xóa bỏ độc quyền mua cổ phần ưu đãi giảm giá đối với nhà đầu tư chiến lược trong nước để tạo sự bình đẳng giữa các nhà đầu tư; (iii) nâng tỷ lệ cổ phần bán đấu giá công khai lên mức không thấp hơn 30% vốn điều lệ (tỷ lệ này hiện là 20%), trong đó dành một tỷ lệ nhất định để bán cho nhà đầu tư chiến lược.
Xem thêm bài viết: Giá đóng cửa là gì ? Tìm hiểu về giá đóng cửa, giá mở cửa của cổ phiếu
Mặt khác, để thu hút nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, đã đến lúc, chỉ nên quy định trong một số ngành nghề nhạy cảm, có ảnh hưởng quan trọng đến nền kinh tế thì Nhà nước mới duy trì tỷ lệ cổ phần chi phối. Cũng chỉ nên quy định danh mục ngành nghề nhạy cảm, quan trọng, mới không được phép bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, hoặc nhà đầu tư nước ngoài chỉ được tham gia ở tỷ lệ giới hạn; đồng thời nên tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp Việt Nam theo tình hình thực tế về danh mục ngành nghề.
Nguồn tham khảo bài viết: https://wikibatdongsan.com/