Doanh nghiệp siêu nhỏ là gì ? Các tiêu chí để xác định doanh nghiệp siêu nhỏ tại Việt Nam như thế nào, bài viết dưới đây của Wikibatdongsan sẽ giải đáp cho các bạn câu hỏi này nhé.
DOANH NGHIỆP SIÊU NHỎ LÀ GÌ ?
Doanh nghiệp siêu nhỏ là gì ? – Căn cứ Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 và nghị định NĐ 39/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, các tiêu chí dùng để phân loại các doanh nghiệp siêu nhỏ được dựa trên số lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội; tổng vốn hoặc tổng doanh thu năm trước liên kề. Ngoài ra, đối với từng doanh nghiệp kinh doanh trong từng ngành nghề nhất định sẽ có những yêu cầu riêng biệt. Cụ thể:
- Đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực: nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng
Theo quy định pháp luật, doanh nghiệp siêu nhỏ hoạt động trong các lĩnh vực trên là những doanh nghiệp:
- Số lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội: bình quân năm không quá 10 người;
- Tổng nguồn vốn: không quá 03 tỷ đồng;
- Tổng doanh thu: không quá 03 tỷ đồng/năm.
- Đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực: thương mại và dịch vụ
Vì tính chất của ngành nghề thương mại và dịch vụ không đòi hỏi nhiều lao động nhưng lại có thể mang lại doanh thu cao hơn so với các ngành khác, do đó tiêu chí để xác định doanh nghiệp siêu nhỏ đối với hai lĩnh vực này có sự khác biệt:
- Số lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội: bình quân năm không quá 10 người;
- Tổng nguồn vốn: không quá 03 tỷ đồng;
- Tổng doanh thu: không quá 10 tỷ đồng/năm.
Tuy nhiên, Việt Nam đang chú trọng hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa có tiềm năng phát triển trong một hoặc nhiều ngành, lĩnh vực, địa bàn trong một hoặc nhiều giai đoạn. Việc xác định chính xác loại doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng, bởi đối với từng loại hình doanh nghiệp sẽ được Nhà nước hỗ trợ và nhận được các ưu đãi liên quan đến thuế, thủ tục hành chính, … khác nhau, giúp doanh nghiệp phát triển lớn mạnh hơn.
Lưu ý:
Số lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội: bằng tổng số lao động tham gia bảo hiểm xã hội của năm chia cho số tháng trong năm (Trường hợp doanh nghiệp hoạt động dưới 01 năm, số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân được tính bằng tổng số lao động tham gia bảo hiểm xã hội của các tháng hoạt động chia cho số tháng hoạt động.)
Tổng nguồn vốn: xác định trong bảng cân đối kế toán thể hiện trên Báo cáo tài chính của năm trước liền kề mà doanh nghiệp nộp cho cơ quan quản lý thuế (Trường hợp doanh nghiệp hoạt động dưới 01 năm, tổng nguồn vốn được xác định trong bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp tại thời điểm cuối quý liền kề thời điểm doanh nghiệp đăng ký hưởng nội dung hỗ trợ).
Tổng doanh thu: tổng doanh thu bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp và được xác định trên Báo cáo tài chính của năm trước liền kề mà doanh nghiệp nộp cho cơ quan quản lý thuế. Trường hợp doanh nghiệp hoạt động dưới 01 năm hoặc trên 01 năm nhưng chưa phát sinh doanh thu thì doanh nghiệp căn cứ vào tiêu chí tổng nguồn vốn quy định tại Điều 9 Nghị định 39/2018).
Xem thêm bài viết: Viện trợ không hoàn lại là gì ? ODA có thực sự “ ngon, bổ, rẻ “
Lĩnh vực hoạt động: xác định căn cứ vào quy định của pháp luật về hệ thống ngành kinh tế và quy định của pháp luật chuyên ngành. Trường hợp hoạt động trong nhiều lĩnh vực, doanh nghiệp nhỏ và vừa được xác định căn cứ vào lĩnh vực có doanh thu cao nhất
Mới đây, ngày 28/12/2018 Bộ Tài Chính vừa ban hành Thông tư số 132/2018/TT-BTC áp dụng chế độ kế toán đối với doanh nghiệp siêu nhỏ nhằm giúp kế toán tại các đơn vị này đơn giản hơn trong quá trình thực hiện các nghiệp vụ và báo cáo tài chính. Theo đó, đối tượng áp dụng của thông tư là các doanh nghiệp siêu nhỏ bao gồm các doanh nghiệp siêu nhỏ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (thuế TNDN) theo phương pháp tính trên thu nhập tính thuế và phương pháp theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/2/2019, áp dụng cho năm tài chính bắt đầu hoặc sau ngày 1/4/2019.
Nguồn tham khảo bài viết: https://wikibatdongsan.com/