Bảo hiểm tiền gửi là gì ? – Gửi tiền ngân hàng trong giai đoạn này có lẽ là phương án tối ưu nhất đối với những nhà đầu tư không ưa mạo hiểm. Thông qua bài viết này, Wikibatdongsan xin gửi đến quý vị độc giả chi tiết nhất về loại hình này nhé.
KHÁI NIỆM BẢO HIỂM TIỀN GỬI LÀ GÌ ?
Bảo hiểm tiền gửi là sự bảo đảm hoàn trả tiền gửi cho người được bảo hiểm tiền gửi trong hạn mức trả tiền bảo hiểm khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền hoặc phá sản.
Người được bảo hiểm là cá nhân có tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.
- Tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi: Là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành lập và hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng được nhận tiền gửi của cá nhân.
- Tổ chức bảo hiểm tiền gửi: Là tổ chức tài chính nhà nước, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, thực hiện chính sách bảo hiểm tiền gửi, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, đảm bảo sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.
MỤC ĐÍCH CỦA BẢO HIỂM TIỀN GỬI LÀ GÌ ?
Trong thực tế, mục đích cụ thể của mỗi hệ thống bảo hiểm tiền gửi có khác nhau nhưng tựu chung đều nhằm đạt được mục đích sau:
Bảo vệ số đông người gửi tiền, đối tượng có tiền gửi ít hạn chế trong tiếp cận thông tin về quản trị, điều hành và tình hình hoạt động của các tổ chức huy động tiền gửi;
Góp phần đảm bảo cho hệ thống tài chính quốc gia ổn định và tạo điều kiện cho các giao dịch tài chính có hiệu quả hơn bằng cách phòng, tránh đổ vỡ ngân hàng;
Góp phần xây dựng một thị trường có tính cạnh tranh và bình đẳng cho các tổ chức tài chính có quy mô và trình độ phát triển khác nhau;
Quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của người gửi tiền, tổ chức tài chính, Chính phủ và giảm thiểu gánh nặng tài chính cho người đóng thuế trong trường hợp có tổ chức tín dụng đổ bể.
BẢN CHẤT CỦA BẢO HIỂM TIỀN GỬI LÀ GÌ
Bảo hiểm tiền gửi về bản chất là hoạt động cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho người gửi tiền. Dịch vụ này mang tính xã hội cao.
Theo cách phân loại của các nhà kinh tế học, dịch vụ này thuộc loại hàng hóa công không thuần tuý. Cơ sở để gọi dịch vụ bảo hiểm tiền gửi là hàng hóa công không thuần túy là căn cứ vào tính không loại trừ thụ hưởng một cách tuyệt đối của dịch vụ này.
Xuất phát từ một trong các mục đích của hoạt động bảo hiểm tiền gửi là góp phần đảm bảo tính ổn định của hệ thống tài chính quốc gia, người thụ hưởng dịch vụ này là toàn xã hội.
Người gửi tiền có tiền gửi thuộc đối tượng được bảo hiểm sẽ được lợi trực tiếp từ chính sách bảo hiểm tiền gửi qua việc họ được tổ chức Bảo hiểm tiền gửi chi trả tiền bảo hiểm, khi tổ chức nhận tiền gửi của họ bị đóng cửa và mất khả năng thanh toán.
Còn người đi vay sẽ được hưởng lợi từ dịch vụ này ở chỗ tính ổn định của hệ thống tài chính giúp cho họ sử dụng tiền vay được an toàn và thuận tiện hơn. Có được hệ thống tài chính ổn định sẽ giúp cho các ngành kinh tế khác phát triển thuận lợi… Chính vì đặc tính không loại trừ thụ hưởng tuyệt đối mà dịch vụ bảo hiểm tiền gửi được xếp vào loại hàng hóa công không thuần tuý như đã nói ở trên.
Luật bảo hiểm tiền gửi
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10; Quốc hội ban hành Luật bảo hiểm tiền gửi với một số quy định cần chú ý sau:
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Luật này áp dụng đối với người được bảo hiểm tiền gửi, tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, tổ chức bảo hiểm tiền gửi, cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến hoạt động bảo hiểm tiền gửi.
Điều 5. Nguyên tắc bảo hiểm tiền gửi
- Bảo hiểm tiền gửi là loại hình bảo hiểm bắt buộc theo quy định của Luật này.
- Hoạt động bảo hiểm tiền gửi phải công khai, minh bạch, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người được bảo hiểm tiền gửi, tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, tổ chức bảo hiểm tiền gửi.
Điều 6. Tham gia bảo hiểm tiền gửi
- Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được nhận tiền gửi của cá nhân phải tham gia bảo hiểm tiền gửi, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
- Ngân hàng chính sách không phải tham gia bảo hiểm tiền gửi.
Điều 10. Các hành vi bị cấm
- Tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi không nộp phí bảo hiểm tiền gửi.
- Tổ chức bảo hiểm tiền gửi không chi trả hoặc chi trả không đầy đủ tiền bảo hiểm.
- Gian lận, giả mạo hồ sơ, tài liệu, giấy tờ về bảo hiểm tiền gửi.
- Cản trở, gây khó khăn, làm thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức bảo hiểm tiền gửi, tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, người được bảo hiểm tiền gửi và cơ quan, tổ chức có liên quan đến bảo hiểm tiền gửi.
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái các quy định của pháp luật về bảo hiểm tiền gửi.
Điều 14. Cấp Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi
- Chậm nhất là 15 ngày trước ngày khai trương hoạt động, tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phải nộp hồ sơ đề nghị cấp Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi.
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị cấp Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, tổ chức bảo hiểm tiền gửi có trách nhiệm cấp Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi.
- Hồ sơ đề nghị cấp Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi bao gồm:
- a) Đơn đăng ký tham gia bảo hiểm tiền gửi;
- b) Bản sao giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng hoặc giấy phép thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
- c) Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Điều 16. Thu hồi Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi
- Tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi bị tạm thu hồi Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản tạm đình chỉ hoạt động nhận tiền gửi theo quy định của pháp luật. Trong thời gian tạm thu hồi Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi, tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phải nộp phí bảo hiểm tiền gửi đối với khoản tiền gửi chưa nộp phí.
- Tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi bị thu hồi Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng, giấy phép thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của pháp luật.
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày thu hồi Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi, tổ chức bảo hiểm tiền gửi phải thông báo công khai về việc thu hồi Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi trên ba số liên tiếp của một tờ báo trung ương, một tờ báo địa phương nơi đặt trụ sở chính, các chi nhánh của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi và trên một báo điện tử của Việt Nam.
Điều 17. Cấp lại Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi
- Tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi được cấp lại Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi khi được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép phục hồi hoạt động nhận tiền gửi.
- Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi bị mất, rách nát, hư hỏng được cấp lại trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị cấp lại Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi
Để nắm rõ hơn nữa những quy định của Luật bảo hiểm tiền gửi, các bạn vui lòng truy cập TẠI ĐÂY
Những loại tiền được áp dụng trong bảo hiểm tiền gửi
Căn cứ theo Luật bảo hiểm tiền gửi, những loại tiền được áp dụng trong bảo hiểm tiền gửi được quy định như sau:
Điều 18. Tiền gửi được bảo hiểm
Tiền gửi được bảo hiểm là tiền gửi bằng đồng Việt Nam của cá nhân gửi tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi dưới hình thức tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức tiền gửi khác theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng, trừ các loại tiền gửi quy định tại Điều 19 của Luật này.
Điều 19. Tiền gửi không được bảo hiểm
- Tiền gửi tại tổ chức tín dụng của cá nhân là người sở hữu trên 5% vốn điều lệ của chính tổ chức tín dụng đó.
- Tiền gửi tại tổ chức tín dụng của cá nhân là thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó Giám đốc) của chính tổ chức tín dụng đó; tiền gửi tại chi nhánh ngân hàng nước ngoài của cá nhân là Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó Giám đốc) của chính chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó.
- Tiền mua các giấy tờ có giá vô danh do tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phát hành.
PHÍ BẢO HIỂM TIỀN GỬI
Phí bảo hiểm tiền gửi là khoản tiền mà tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phải nộp cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi để bảo hiểm cho tiền gửi của người được bảo hiểm tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi
Luật bảo hiểm tiền gửi quy định về mức phí như sau:
Điều 20. Phí bảo hiểm tiền gửi
- Thủ tướng Chính phủ quy định khung phí bảo hiểm tiền gửi theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
- Căn cứ vào khung phí bảo hiểm tiền gửi, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định mức phí bảo hiểm tiền gửi cụ thể đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi trên cơ sở kết quả đánh giá và phân loại các tổ chức này.
- Phí bảo hiểm tiền gửi được tính trên cơ sở số dư tiền gửi bình quân của tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.
- Phí bảo hiểm tiền gửi được tính và nộp định kỳ hàng quý trong năm tài chính. Tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phải nộp phí bảo hiểm tiền gửi cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi chậm nhất vào ngày 20 tháng đầu tiên của quý kế tiếp.
- Phí bảo hiểm tiền gửi được hạch toán vào chi phí hoạt động của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.
Điều 21. Phí nộp thiếu, nộp chậm
- Tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi vi phạm thời hạn nộp phí bảo hiểm tiền gửi theo quy định tại Điều 20 của Luật này, thì ngoài việc phải nộp đủ số phí còn thiếu phải chịu phạt mỗi ngày nộp chậm bằng 0,05% số tiền nộp chậm.
- Trường hợp tổ chức bảo hiểm tiền gửi phát hiện sự thiếu chính xác trong việc tính và nộp phí bảo hiểm tiền gửi, thì tổ chức bảo hiểm tiền gửi có trách nhiệm thông báo và truy thu số phí còn thiếu hoặc thoái thu đối với số phí nộp thừa trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày phát hiện.
- Sau thời hạn 30 ngày, kể từ ngày phải nộp phí bảo hiểm tiền gửi mà tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi không nộp hoặc nộp không đầy đủ phí bảo hiểm tiền gửi và tiền phạt, thì tổ chức bảo hiểm tiền gửi có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trích tài khoản của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để nộp phí bảo hiểm tiền gửi và tiền phạt. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận văn bản đề nghị của tổ chức bảo hiểm tiền gửi, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm xử lý.
- Trong trường hợp tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi không nộp hoặc nộp không đầy đủ phí bảo hiểm tiền gửi mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải trích tài khoản của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi để nộp phí theo quy định tại khoản 3 Điều này lần thứ hai, thì tổ chức bảo hiểm tiền gửi có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đình chỉ hoặc tạm đình chỉ hoạt động nhận tiền gửi của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.
Hoạt động bảo hiểm tiền gửi của các ngân hàng tại Việt Nam
Bảo hiểm tiền gửi là gì ? – Tại Việt Nam, hệ thống Bảo hiểm tiền gửi được thành lập từ năm 1999 và bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2000 với hạn mức chi trả tối đa ban đầu là 30 triệu đồng.
Đến năm 2005, hạn mức chi trả tối đa được nâng lên mức 50 triệu đồng và được áp dụng cho tới giữa năm 2017. Nhưng theo quy định mới, kể từ ngày 5/8/2017, người gửi tiền được chi trả bảo hiểm tiền gửi một mức chung là 75 triệu đồng cho tất cả các hạn mức gửi tiền trong trường hợp ngân hàng phá sản.
Hiện nguồn vốn của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được tích lũy dựa trên 4 cấu phần, gồm:
- Vốn điều lệ do Nhà nước cấp
- Nguồn thu từ phí bảo hiểm tiền gửi hàng năm
- Nguồn thu từ hoạt động đầu tư vốn tạm thời nhàn rỗi
- Các nguồn thu khác theo quy định của pháp luật.
Trong đó, nguồn thu phí bảo hiểm tiền gửi đóng góp một phần lớn vào nguồn lực tài chính của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đang thu phí từ các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi với mức phí đồng hạng là 0,15% tính trên số dư tiền gửi bình quân của các loại tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.
Xem thêm bài viết: Đấu thầu qua mạng là gì ? Đấu thầu qua mạng được thực hiện như thế nào
Đánh giá hoạt động bảo hiểm tiền gửi năm 2018, ông Vũ Văn Long, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) Việt Nam cho biết, tổ chức này đã hoàn thành kế hoạch kinh doanh và các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động được NHNN giao với tổng số phí BHTG thu được là 6.628,5 tỷ đồng, đạt 100,7% kế hoạch.
Tính đến 31/12/2018, tổng nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi được đầu tư là 46.679,6 tỷ đồng, tăng 22,4% so với năm 2017; tổng doanh thu đạt 2.595,1 tỷ đồng, bằng 101,7% kế hoạch; lợi nhuận sau thuế đạt 121,7 tỷ đồng, bằng 127,5 kế hoạch; tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu đạt 2,08%, tăng 0,49% so với kế hoạch; không phát sinh nợ phải trả quá hạn…
Nguồn tham khảo bài viết: https://wikibatdongsan.com/